Ba đại tự: PHƯỚC - LỘC - THỌ

PHƯỚC – LỘC – THỌ là những điều mong ước thiết tha nhất của mọi người, nếu trọn vẹn được những điều tốt lành đó thì gia đình được hạnh phúc, vinh hoa phú quý trường thọ, cho nên người ta thường viết lớn ba chữ PHƯỚC – LỘC – THỌ (phần nhiều bằng chữ Hán), hoặc nặn tượng ba ông PHƯỚC – LỘC – THỌ để trang trí cho phòng khách thêm phần sang trọng hay biếu tặng thân bằng quyến thuộc trong những khi về nhà mới để chúc tụng, trong những ngày đầu xuân, người ta lại còn treo mấy chữ PHƯỚC – LỘC – THỌ - TOÀN vào cành mai, chậu quất, cành đào để cầu mong đủ các điều lành đó đến trong những ngày đầu  năm, thậm chí các nơi thờ tự, lăng mộ cũng có mặt PHƯỚC – LỘC – THỌ rất trang trọng, nhất là chữ PHƯỚC.

Hễ thấy người nào có chức quan lớn, có địa vị tôn quý hoặc gặp được nhiều điều may mắn thì cho những người đó có PHƯỚC (Phước như Đông Hải), người nào ăn ra, làm được của cải dồi dào hoặc có chức quyền lại được người khác mang quà cáp đến biếu, tiền vô như nước, thì cho là người có tài LỘC đến (thần Tài ưu đãi), người nào sống lâu ngoài bảy mươi tuổi thì được họ hàng, đoàn thể hay con cháu làm lễ mừng THỌ (Thọ tỷ Nam Sơn)

Ước mong, mong ước chỉ có bấy nhiêu thôi mà chẳng mấy ai được toại nguyện, bèn sắm hương hoa đến chùa cầu Phật, giết heo giết gà mang đến  đền miếu cầu Thánh cầu Thần. Nhưng khổ nỗi Phật – Thánh – Trời – Đất – Quỷ - Thần có bao giờ ban ơn giáng hoạ cho ai đâu! Trong kinh sách các Ngài dạy cũng đã từ lâu rồi:
 
“Phước do hiếu đức mới có, Lộc do cần kiệm mới nên, Thọ do thiểu dục tri túc, biết tôn trọng sự sống của muôn loài mới thành” hoặc “Hạnh phúc an vui vinh hoa phú quý là nhờ phước đức nhiều đời mới có, Thọ mà gặp nhiều tai hoạ đến là do ác nghiệp nhiều đời đã tạo nên”

Có Phước là có tất cả.
Muốn được PHƯỚC thì phải bố thí, giúp đỡ những người nghèo khổ neo đơn, tàn tật, thương yêu giúp đỡ bà con thân thuộc trong những lúc ngặt nghèo, đem tịnh tài cúng dường các nơi thờ tự làm tăng vẻ tôn nghiêm hoặc cúng dường các vị chân tu trì trai giữ giới thanh tịnh, khá hơn nữa thì tu bổ cầu cống, đường sá để sự giao thông được an toàn, người xưa thường nói “Cất giữ của cải không hẳn thuộc về mình, chỉ có đem của cải ra thí xả giúp ích cho mọi loài mới thật là của mình”

Người nghèo khó không có tiền của cũng bố thí được, khuyên nhủ con cháu phải có trung có hiếu, làm lành, lánh dữ đem những điều hay lẽ phải tuyền trao cho kẻ khác, lượm đinh, lượm gai, lượm mẻ chai dọc đường v.v… cũng được PHƯỚC, cũng quý hơn cả tiền của và quý hơn nữa là làm ơn làm phước mà không nghĩ đến sự đền đáp, nhờ những công đức ấy thì PHƯỚC lần lần hiển lộ, nếu được giàu sang hoặc thăng quan tiến chức thì phải hết mình làm lợi ích cho dân cho nước, đừng lợi dụng chức quyền mà tham lam vị kỷ, hà hiếp kẻ yếu, vì trong chữ PHƯỚC đã có chữ HOẠ ẩn sẵn bên dưới.
Muốn có LỘC thì phải quý trọng thời giờ, siêng năng cần mẫn, biết nắm lấy cơ hội, những việc gì có lợi cho mình và có lợi cho kẻ khác thì kiên nhẫn chăm làm, những việc gì chỉ có lợi cho mình mà tổn hại đến kẻ khác thì tuyệt đối không làm. Tránh xa các điều xấu , điều ác, làm các việc lành, có trung, có hiếu mới nên danh, lấy chữ TÍN làm trọng, luôn luôn vui vẻ niềm nở với mọi người thì LỘC từ từ sẽ đến, tài lộc đến thì phải tiếp tục tô bồi thêm phước đức, đừng dùng thế lực đồng tiền hoặc cậy nhờ kẻ quyền thế áp đảo đổi trắng thay đen làm hại kẻ khác đau khổ.
 
Những người nghèo khổ họ không buồn tủi do sự thiếu thốn về vật chất mà buồn tủi thấy kẻ khác tiêu xài quá sang trọng, quá phung phí tiền của vào bia rượu ăn chơi xả lángchẳng đoái thương lắm kẻ đường cùng đói cơm rách áo. Nên nhớ rằng TÀI – LỘC phải do mồ hôi nước mắt của mình đổ ra mới bền vững, còn TÀI LỘC bất nghĩa cũng có ngày “chữ TÀI cùng với chữ TAI một vần”  nào có khác chi.

Muốn được THỌ thì ăn uống phải điều độ, hạn chế thịt cá vì khó tiêu, không nên ăn no, tuyệt đối không dùng những chất có độc hại nguy hiểm như xì ke ma tuý, hạn chế bia rượu, thuốc lá, sắc dục, phải thường xuyên luyện tập thân thể, nhất là không sân si, không phiền não, không sát sanh hại vật, phải làm nhiều việc phước đức thì tuổi thọ mới tăng. Tuổi thọ càng tăng thì phải làm người mẫu mực trong gia đình và dòng họ để giáo dục con cháu nên người. THỌ mà để con cháu sống bê tha bừa bãi, tranh tụng lẫn nhau thì rõ “thọ thị khổ”.

Làm người rất khó, may có được
Thân này mang nặng lắm ân sâu
Đã THỌ làm sao cho đúng nghĩa
Để không hổ thẹn với non sông
 
Hoàn cảnh và cuộc sống đời người, chúng ta đã thường thấy: những thành công thì ít, thất bại thì nhiều, sự may mắn đến thì ít, mọi rủi ro ùa vào thì nhiều, an vui đến thì ít, buồn khổ đến thì  nhiều… Xét cho kỹ tất cả đều có nguyên nhân của nó.

Muốn có được những điều tốt lành, hàng ngày chúng ta phải tận trừ các chướng ngại tham – sân – si –  tỵ hiềm – lười biếng mà mở rộng lòng từ bi – hỷ xả - vị tha- cần mẫn – nhẫn nhục – khoan hoà – nhân ái – thì PHƯỚC – LỘC – THỌ luôn luôn hiện hữu được Phật Thánh phò trì Thần linh che chở, cầu chi được nấy. PHƯỚC – LỘC – THỌ vẹn toàn thì không những “thiên tai vạn hoạ nhất tề tiêu” (tai qua nạn khỏi)  mà còn “vô hạn thần tiên tùng thử đắc” (mọi tốt lành đều đạt được). Trái lại nếu sống mà không lo tu tâm sửa tánh, không kịp thời ngăn chặn các điều xấu ác thì tai hoạ trùng trùng kéo đến khó mà tránh khỏi.

Còn chữ PHƯỚC trang trí nơi lăng mộ hay những nơi thờ tự, không những để tôn quý đức độ của tiền nhân lưu lại mà còn có ý nhắc nhở con cháu hiếu thảo, tu tạo các phước lành để có công đức hồi hương cho những người đã quá cố sớm, vãng sanh lạc quốc và chỉ có phước đức sâu dày mới mong tiêu trừ được mọi tai hoạ.
Nếu có những ai đó giữ được thân tâm thanh tịnh, bồ đề tâm kiên cố, dùng bút tinh cần chấm mực công đức, tô vẽ nên chữ PHƯỚC thì chữ PHƯỚC đó bất kỳ đặt ở đâu hoặc mang vào người  thì đó là một lá bùa hộ mạng vô cùng linh nghiệm, có thể tiêu trừ thiên tai nạn hoạ và ma quỷ không thể hại được.

Dùng ba chữ PHƯỚC – LỘC – THỌ chỉ có tính cách trang trí chẳng có tác dụng nào cả, mà cần phải thường xuyên nhắc nhủ nhau tu tạo nhân lành may ra mới có kết quả tốt để mà thụ hưởng.

PHƯỚC địa bao dung người chí hiếu
LỘC trời ban tặng kẻ kiên trung
THỌ thời tăng trưởng nhờ đức sáng
TOÀN gia quyến đẳng xiết vui mừng.


PHƯỚC – LỘC – THỌ nó liên quan và hỗ trợ lẫn nhau rất mật thiết và đồng đều.
Gieo được nhiều công đức thì phước lành đến, phước lành đến thì lộc được dồi dào, lộc được dồi dào thì bồi dưỡng thân tâm từ tinh thần đến vật chất thì tuổi thọ tăng, được tuổi thọ tăng thì trên phải tiếp tục tô bồi thêm hiếu đức, chăm lo phụng thờ Tiên Tổ, dưới tìm mọi cách giáo dục con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, bỏ ác làm lành siêng năng học tập để nên người hữu ích cho gia đình và xã hội, như vậy cũng được phước và cứ thế ngày mỗi tăng trưởng thì PHƯỚC – LỘC – THỌ không những đến với chúng ta trong hiện tại và con cháu mai sau đều được hưởng thụ.
Người người hạnh phúc bình an
Nhà nhà hưng thịnh xóm làng mừng vui


                                                                                
                                                Phước Hải – Ô Mai Luân
                                             ( Thân phụ của Nguyễn Thị Lân) 
 
Giải thích về lễ chúc mừng thọ cho các cụ Ông Cụ Bà


    Chúng ta có thể hiểu rằng chữ “THỌ” là chỉ cho những người có tuổi tác cao (tức là cao niên, sống lâu) nên con cháu trong gia đình hoặc là thân tộc làm lễ mừng thọ các Cụ.

   Đó là tấm lòng hiếu thảo của con người đối với Ông Bà Cha Mẹ. Ngày nay, trong nhà Đạo cũng có những đệ tử vì niềm hiếu đạo đối với các bậc Thầy Tổ, quí vị đệ tử thể hiện “Tâm Trung, Nghĩa Đạo” chân thành mà thỉnh thoảng có tổ chức mừng Thọ cho Thầy mình, đây là điều không bắt buộc. Lại cũng có những bậc thầy không muốn cho đệ tử tổ chức lễ mừng thọ, mà cốt mong sao đệ tử giữ đúng giới hạnh tu hành tinh tấn, dõng mãnh và giữ nguyện hy sinh đời mình, đem thân tâm phụng sự chánh Pháp, phụng sự chúng sanh, ấy là báo đáp công sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, Ông bà và Thầy Tổ rồi vậy.